Nghiên cứu thực nghiệm chế độ tưới nước bằng kỹ thuật tưới nhỏ giọt (có lắp đặt thêm hệ thống tưới phun sương cải tạo vi khí hậu) cho cây nho lấy lá trong 3 mùa vụ với 3 chu kỳ tưới: 2 ngày (CK2), 3 ngày (CK3) và 4 ngày (CK4), tại vùng khan hiếm nước, tỉnh Bình Thuận. Đo đạc các yếu tố khí tượng hàng ngày phục vụ tính toán lượng nước tưới thực nghiệm bằng phương pháp Penman. Sau khi tính được lượng nước tưới ban đầu, thiết lập thêm 2 mức tưới khác: tăng thêm 20 phần trăm và giảm 25 phần trăm so với mức tưới ban đầu (các hệ số mức tưới m1 (nhiều nước) = 1,25, m2 (mức ban đầu)= 1,0 và m3 (ít nước)= 0,75). So với kỹ thuật tưới truyền thống, lượng nước của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước CK2 từ 48,70-99,40 phần trăm, CK3 từ 47,58-87,81 phần trăm, CK4 từ 40,25-75,31 phần trăm. Kết quả quan trắc thực nghiệm các chỉ tiêu cho thấy: trong cùng một chu kỳ tưới, trọng lượng lá cây các lô có thêm hệ thống tưới phun sương lớn hơn các lô còn lại, các lô có mức nước tưới thấp đạt hiệu quả sử dụng nước cao nhất, tiếp đến là mức tưới trung bình và mức tưới cao. So sánh cùng mức tưới, lá cây các lô CK2 phát triển nhanh, trọng lượng lớn hơn và thời gian thu hoạch sớm hơn các lô CK3 và CK4. Các lô có lắp đặt thêm hệ thống tưới phun sương đạt hiệu quả sử dụng nước cao hơn các lô tưới nhỏ giọt đơn thuần và lô đối chứng. Thiết lập chế độ tưới nhỏ giọt thích hợp cho cây nho lấy lá với chu kỳ 2 ngày và mức tưới thấp, theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, góp phần ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại vùng khô hạn một cách hiệu quả.