Nghề nuôi cá tra phát triển mạnh trong những năm gần đây, đóng góp quan trọng vào sản lượng thủy sản nuôi và phát triển kinh tế xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, hình thức nuôi chủ yếu trong ao đất dọc theo các nhánh sông Tiền và Hậu có chế độ thủy văn bị chi phối bởi lưu lượng dòng chảy biến động theo mùa và chế độ thủy triều. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu thông qua hiện tượng nước biển dâng. Khi mực nước biển dâng, vùng nuôi cá tra ở An Giang và Đồng Tháp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vào mùa mưa khi các dỉnh lũ lên cao hơn và quá trình xâm nhập mặn trong mùa khô vào sâu hơn trong đất liền, kéo dài với độ mặn cao. Để đối phó với những tác hại do mực nước biển dâng, người nuôi cá tra phải tăng chi phí cho việc nâng cao đê bao, điều chỉnh thời vụ, giảm mật độ thả, thả con giống kích thước lớn hơn và cải tiến kỹ thuật chăm sóc. Các tổ chức liên quan như chính quyền, viện nghiên cứu, các công ty thủy sản có thể can thiệp về mặt chính sách, hệ thống đê điều, sản xuất giống cá tra chịu mặn và nâng cao nhận thức của người nuôi để giúp cho nghề nuôi cá tra ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu.