Quá trình diễn biến đường bờ vùng cửa sông Cửa Việt từ năm 1952 đến năm 2015 được đánh giá định lượng bằng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS). Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở vùng của sông ven biển Cửa Việt, hiện tượng bồi - xói xảy ra rất phức tạp, hoạt động xói lở đường bờ chiếm ưu thế hơn so với hoạt động bồi tụ cả về quy mô lẫn cường độ xói lở mạnh nhất thường phân bố ở gần cửa sông (cả ở phía trong và phía ngoài cửa sông). Đoạn bờ phía trong cửa sông, phía bờ bắc xói lở xảy ra mạnh hơn phía bờ nam, tốc độ xói đạt từ -1,51 đến -2,24m/năm, tốc độ bồi có giá trị từ 1,15 đến 1,70m/năm. Tỷ lệ giữa tốc độ xói và tốc độ bồi đạt từ 1.0 đến 1,5 lần. Đoạn bờ biển ở phía ngoài cửa sông, hiện tượng xói lở xảy ra mạnh hơn nhiều, với tốc độ xói từ -2,74 đến -8,18m/năm, tốc độ bồi chỉ đạt từ 0,12 đến 2,41m/năm, tỷ lệ giữa tốc độ xói và tốc độ bồi đạt từ 1,0 đến 38 lần. Gần đây, kè biển Cửa Việt được xây dựng đã khắc phục được một phần nào về quá trình xói lở bờ biển, bãi biển đã có sự bồi tụ ở khu vực chân kè.