Kết quả nghiên cứu, tổng hợp, xử lý và phân tích các tài liệu đo vẽ bản đồ địa chất khu vực, tài liệu tìm kiếm, thăm dò và khai thác quặng mangan khu vực Trà Lĩnh - Trùng Khánh, Cao Bằng cho thấy vùng nghiên cứu có cấu trúc địa chất khá thuận lợi cho tạo khoáng mangan nguồn gốc trầm tích. Các yếu tố địa tầng và thạch học đóng vai trò quan trọng trong việc hình tành và phân bố quặng mangan trong vùng. Quặng mangan có giá trị công nghiệp phân bố tập trung trong các thành tạo trầm tích thuộc hệ tầng Tốc Tát. Khoáng vật quặng chủ yếu là psilomelan, pyrolusit, manganit, braunit, hausmanit, rodochrosit, rodonit. Hàm lượng Mn trong các thân quặng, đới khoáng hóa dao động từ 5,88-52,41 phần trăm, trung bình từ 15-20 phần trăm, thuộc loại trung bình đến cao. Phân bố hàm lượng thuộc loại tương đối ổn định. Tiềm năng quặng mangan khá lớn, phân bố chủ yếu ở Tốc Tát, Roỏng Tháy, Lũng Luông và ít hơn là Bản Khuông, Nộc Cu và Hạ Lang.