Trong lịch sử, buôn bán nô lệ da đen thời kỳ trên Đại Tây Dương được các quốc gia phương Tây tiến hành từ khá sớm. Từ 1440-1640, hoạt động này chủ yếu nằm dưới sự độc quyền của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, kể từ sau năm 1660, khi quyền lực của dòng họ Stuart được phục hồi, cùng với sự trỗi dậy của sức mạnh trên biển, nước Anh vươn lên làm chủ hoạt động buôn bán nô lệ trong tam giác mậu dịch thương mại Đại Tây Dương. Bài viết này, dựa trên nghiên cứu của các học giả phương Tây, sẽ mô tả và phân tích những nét chính về hoạt động buôn bán nô lệ của Anh trên Đại Tây Dương từ năm 1660 cho đến khi tuyên bố thủ tiêu chế độ buôn bán nô lệ vào năm 1807. Qua đó, phân tích những tác động, hệ quả của hoạt động buôn bán nô lệ đối với chủ nghĩa tư bản nói chung và nền kinh tế Anh nói riêng.