Toàn cầu hóa là sự phụ thuộc, hòa nhập ngày càng chặt chẽ và sâu rộng giữa các quốc gia, trong đó ẩn chứa sự cạnh tranh với mức độ ngày càng lớn giữa các doanh ngiệp và việc đánh đổi một số quyền lợi của quốc gia để tham gia vào các định chế của khu vực và thế giới. Toàn cầu hoá tạo lập nền tảng cho việc duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, chuyển đổi cơ cấu và phát triển xã hội ở nhiều quốc gia đang phát triển và đặc biệt là mở ra các cơ hội không hạn chế cho sự hợp tác và hội nhập hiệu quả về thương mại, đầu tư, dịch vụ giữa các quốc gia, các cộng đồng. Nền kinh tế thế giới đang vận hành theo mô hình chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, mỗi quốc gia trở thành một mắt xích trong việc chế tạo ra các bộ phận hợp thành một sản phẩm hàng hoá hoàn chỉnh để có thể tận dụng hết các lợi thế. Đối với Việt Nam, gia tăng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh phù hợp với xu thế chung là vấn đề cấp bách, mang tính "thời sự" trong bối cảnh hiện nay. Bài viết này đánh giá một số kết quả đạt được trong hoạt động kinh tế, tiến độ thực thi các cam kết FTA, những nhân tố tác động tới xuất khẩu và đề xuất một số giải pháp nhằm gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới.