Hoạt động tín dụng cho người nghèo tại Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu đến từ khu vực chính thức, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thông qua các chương trình ưu đãi của Chính phủ nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc xác định đâu là đối tượng nghèo thực sự và cần vay vốn ưu đãi của Chính phủ cùng với sự quá tải trong hoạt động của NHCSXH đã khiến cho việc cấp tín dụng cho người nghèo chưa đạt hiệu quả vững chắc. Trong khi đó, sự phát triển của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) bán chính thức tại Việt Nam kể từ những năm 1990 trở lại đây đã đóng góp đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Tuy vậy, thị phần hoạt động của các tổ chức TCVM so với NHCSXH và một số tổ chức thuộc khu vực chính thức khác là không đáng kể (Nguyễn Kim Anh và các cộng sự, 2014). Hơn nữa, mức độ tiếp cận về chiều sâu của các tổ chức TCVM (cả các tổ chức đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp phép) là chưa lớn, chưa kể, các tổ chức này đang đối mặt với nhiều thách thức từ phía nguồn vốn
sự cạnh tranh từ khu vực ngân hàng cùng các định chế tài chính khác
rủi ro về mặt pháp lý, đặc biệt là các tổ chức TCVM bán chính thức. Bài nghiên cứu phân tích các kênh tín dụng cho người nghèo qua các tổ chức TCVM chính thức và bán chính thức trong thời gian qua tại Việt Nam, chỉ ra những mặt ưu điểm, hạn chế của các kênh, qua đó đề xuất đẩy mạnh tín dụng cho người nghèo.