Số lượng sinh viên của Trường Đại học Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học đã tăng lên đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó phải kể đến một tỉ lệ không nhỏ những sinh viên làm luận văn tốt nghiệp. Hình thức tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên cũng khá đa dạng: "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" (cấp bộ), "Tài năng khoa học trẻ Trường Đại học Hà Nội", "Hội thảo khoa học sinh viên" (cấp khoa)... Tuy nhiên, tính thụ động trong học tập vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Sinh viên chỉ "xoay quanh" giảng đường với bài học trên lớp, chưa chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa tích cực tìm tòi cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn.Vậy cách tiếp cận, đánh giá, tổ chức và hướng dẫn nghiên cứu khoa học trong sinh viên như thế nào để cho các hoạt động này không phải là cái gì đó quá xa vời mà nằm ngay trong các hoạt động đào tạo của trường, khoa và bộ môn, trở thành một hoạt động thường xuyên, thực sự bổ ích và thiết thực, thu hút được nhiều người tham gia và sản phẩm nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong quá trình học tập tại trường. Đó cũng là nội dung mà tác giả muốn trao đổi trong bài viết này.