Trong khoảng 6 năm nay từ 2009, chúng ta đang chứng kiến hàng loạt sự đổ vỡ, phá sản, M&A các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại (NHTM). Nguyên nhân do việc lạm dụng tín dụng ngân hàng, trong đó có một phần không nhỏ là do phát tác của các khoản tín dụng bất động sản nhà ở gây ra. Chính vì thế, việc xem xét, đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố tới rủi ro tín dụng nói chung và rủi ro tín dụng nhà ở (RRTDNO) nói riêng là điều cần thiết không chỉ với ngân hàng mà còn với các nhà hoạch định chính sách. Nhất là sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có hàng loạt các chính sách hỗ trợ tín dụng về nhà ở mà các ngân hàng thương mại (NHTM) và khách hàng có nhu cầu tín dụng vẫn hết sức dè dặt, bởi tâm lý muốn né tránh rủi ro có thể tái xuất hiện. Trong phạm vi nghiên cứu này, bài viết chỉ đề cập về RRTDNO đối với nhóm khách hàng cá nhân/hộ gia đình tại các NHTM Việt Nam bằng phương pháp nghiên cứu định lượng với các mục đích: (1) xác định và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới RRTDNO
(2) đánh giá mức độ ảnh hưởng của mỗi nhân tố tới RRTDNO và (3) đưa ra các khuyến nghị phù hợp vói các NHTM để phòng ngừa và giảm thiểu RRTDNO cho các NHTM trong thời gian tới.