Mô hình quản lý dựa vào cộng đồng (CBM) là một trong ba mô hình cơ bản được ứng dụng trong quản lý kinh tế xã hội trên thế giới, bên cạnh quản lý nhà nước và quản lý tư nhân. Việc ứng dụng mô hình này được phổ biến rộng rãi trước hết trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường ở nhiều nước phát triển và đang phát triển từ những năm 1980. Một trong những nhân tố đảm bảo cho sự thành công của mô hình này là sự tham gia của cộng đồng và sự liên kết, hợp tác của nó với các bên hữu quan khác vào quá trình quản lý. Tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực quản lý, sự tham gia của cộng đồng có thể được tiến hành ở các mức độ khác nhau và thông qua các công cụ khác nhau. Có điều, các cấp chính quyền và người lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng và phát triển sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quản lý. Thực tiễn ứng dụng mô hình CBM trên thế giới cho thấy Nhật Bản là một trong những nước khá thành công trong thu hút tham gia của cộng đồng vào các dự án quản lý dựa vào cộng đồng. Bài viết này đề cập đến kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các dự án giữ gìn không gian xanh và xây dựng đô thị, từ đó, rút ra một số bài học cho Việt Nam.