Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh trên thị trường cả trong nước và thế giới. Tuy nhiên lâu nay, các sản phẩm nông nghiệp nước ta vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa rớt giá" mà chưa có cách tháo gỡ một cách căn bản. Những hiện tượng gần đây lại tiếp tục chứng minh cho chuỗi luẩn quẩn đó như sản phẩm dưa hấu, tỏi, cà phê, cao su, hồ tiêu... Người nông dân tiếp tục phát triển tự phát các loại cây trồng để rồi lại gánh chịu hậu quả, rồi rơi vào cảnh nợ nần, các ngân hàng thương mại (NHTM) lại tiếp tục thêm những khoản nợ xấu. Đối với các cây trồng ngắn hạn như dưa hấu, tỏi, lúa thì vốn đầu tư ban đầu không lớn, thu hoạch nhanh nên năm sau hoặc vụ sau có thể thay thế bằng loại cây trồng khác hy vọng có thể bù đắp cho những thất thu năm nay nhưng cũng đầy bất trắc. Đối với những cây trồng dài hạn như cà phê, cao su, hồ tiêu,... thường vốn đầu tư rất lớn, thời gian đầu tư kéo dài một vài năm mới có thu hoạch nêu liên tục gặp bất trắc về tiêu thụ để người dân chặt phá, thay thế cây trồng khác thì hậu quả càng nặng nề. Bài viết này nhằm khuyến nghị mở rộng hình thức cho vay theo chuỗi giá trị đối với ngành cà phê, bởi hình thức cho vay này được đánh giá là phù hợp và hiệu quả, giúp tạo sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi phát triển ngành cà phê tại Việt Nam. Để có cơ sở đưa ra khuyến nghị, bài viết tổng quan về ngành cà phê nước ta, cùng các chính sách tín dụng đối với ngành cà phê thời gian qua.