Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP(Trans - Pacific strategic Economic Partnership Agreemen) là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đề cập bao trùm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ, quyền Sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật, mua sắm của chính phủ, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước... và có tác động to lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong đó có xuất khẩu hàng dệt may. Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sử dụng nhiều lao động có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... các thành viên của TPP là thị trường xuất khẩu chính, vì vậy, khi thực thi Hiệp đinh TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu dệt may Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, thì việc nghiên cứu có các giải pháp, có các chuẩn bị, phát huy lợi thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức ngay từ khi hiệp định có hiệu lực để đẩy mạnh xuất khẩu dệt may là một vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Bài viết sử dụng các số liệu thứ cấp, tập trung nghiên cứu các nội dung của hiệp định có tác động đến xuất khẩu dệt may, phân tích thực trạng xuất khẩu dệt may của Việt Nam nói chung và vào thị trường các nước TPP nói riêng, chỉ ra các cơ hội, thách thức, đề xuất các giải pháp tận dụng các cơ hội, vượt qua các thách thức đẩy mạnh xuất khẩu dệt may của Việt Nam khi Hiệp định được ký kết.