Nghiên cứu được tiến hành thông qua phỏng vấn trực tiếp 48 hộ nuôi tôm càng xanh luân canh với tôm sú ở tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu nghiên cứu là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi tôm càng xanh, góp phần làm cơ sở phát triển mô hình nuôi trong môi trường nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy, diện tích nuôi trung bình của các hộ là 0,8 ha, độ mặn trong năm khoảng 1 - 10 phần nghìn. Mật độ thả tôm trung bình là 9,0 con/m2 và tôm nuôi có bổ sung thức ăn (thức ăn công nghiệp, thức ăn tự chế hay cá tạp). Sau 5,6 tháng nuôi, trung bình năng suất tôm đạt 886 kg/ha/vụ và lợi nhuận đạt 68 triệu đồng/ha/vụ. Chi phí nuôi tôm càng xanh chỉ chiếm 28,5 phần trăm tổng chi phí sản xuất của cả mô hình tôm càng xanh luân canh với tôm sú, nhưng đạt đến 44,1 phần trăm tổng lợi nhuận. Bên cạnh đó, tỉ lệ số hộ nuôi tôm càng xanh có lời (89,6 phần trăm) cũng cao hơn so với nuụi chuyên canh tôm sú (81,3 phần trăm). Ngoài ra, các yếu tố khác như độ mặn, cải tạo ao, ương giống trước khi thả và loại thức ăn bổ sung khác nhau cũng có ảnh hưởng đến hiệu quả của mô hình nuôi. Kết quả cho thấy mô hình này rất triển vọng và khả thi để mở rộng phát triển nuôi tôm càng xanh luân canh với tôm sú trong vùng nước lợ ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.