Quan niệm về nghèo không còn đơn thuần là nghèo về thu nhập mà nó bao hàm nghèo nhìn từ các khía cạnh khác trong cuộc sống con người qua các dịch vụ xã hội cơ bản như: sức khoẻ, kiến thức, điều kiện sống. Như vậy, với cách tiếp cận nghèo đa chiều sẽ khắc phục được những nhược điểm trong phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thực tế mà người nghèo cần được trợ giúp. Mức độ nghèo theo từng khía cạnh là khác nhau giữa các địa phương, tuỳ thuộc vào chính sách kinh tế xã hội cũng như thứ tự ưu tiên của mỗi địa phương. Trong thực tiễn, phụ nữ nghèo thường bị hạn chế về tiếp cận với giáo dục, các dịch vụ y tế cũng như các loại hình sinh kế giúp cho phụ nữ thoát nghèo. Các nghiên cứu đã đề cập đến những dịch vụ công tác xã hội (DVCTXH) đối với phụ nữ nghèo như: cải thiện việc tiếp cận giáo dục, các chương trình tín dụng cho phụ nữ nghèo vay vốn khởi nghiệp và tạo việc làm cho phụ nữ. Đồng thời, nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả các DVCTXH đối với phụ nữ nghèo, nhân viên công tác xã hội cần đẩy mạnh việc thực hiện nguyên tắc tham gia, tự chủ, tính bền vững, và trao quyền trong việc thiết kế các chiến lược giảm nghèo và thúc đẩy hội nhập xã hội.,