Văn học dân gian của người M’nông, cũng giống như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác, rất khó xác định thể loại một cách rạch ròi. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, nhiều tác phẩm không thể xếp vào một ô thể loại nhất định
thật khó xác định nó là thần thoại, truyền thuyết hay cổ tích, là ca dao – dân ca hay là thành ngữ, tục ngữ… Một tác phẩm nhưng lại mang trong nó đặc điểm của nhiều thể loại khác nhau. Do vậy mà ở đây, chúng tôi không phân chia văn học dân gian M’nông thành những thể loại cụ thể mà tạm thời chia nó thành hai loại: những tác phẩm thuộc loại hình văn xuôi tự sự và những tác phẩm thuộc loại hình văn vần (tất nhiên sự phân loại này cũng chỉ mang tính tương đối). Đối với các nhà nghiên cứu đi trước, ngay cả khi họ chia văn học dân gian M’nông thành những thể loại cụ thể giống như khi nghiên cứu văn học dân gian của người Kinh (người Việt) thì chúng ta vẫn thấy ở họ sự lưỡng lự, thiếu minh định. Đỗ Hồng Kỳ trong sách Văn học dân gian ÊĐê, Mơ Nông đã viết: “tìm hiểu truyện cổ M’nông mà tách bạch ra từng loại hình như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, v.v… là một việc làm khiên cưỡng” (Đỗ Hồng Kỳ, 2008, tr. 20). Trong luận án tiến sĩ Ngữ văn, Nguyễn Việt Hùng (2011, tr. 46-47) viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật của truyện cổ tích M’nông là sự giao thoa, hoà trộn với những thể loại truyện dân gian khác. Hiện tượng này mang tính phổ biến ở các tộc người ít có tính biến động về đời sống xã hội – lịch sử, dẫn đến tình trạng chưa xuất hiện những yếu tố cần thiết cho sự ra đời của một số thể loại văn học dân gian”. Dưới đây chúng tôi khảo sát một cách khái quát hai loại thể theo cách phân chia tạm thời của chúng tôi.